Cùng tìm hiểu về du lịch phố cổ Hội An

Nổi bật trong cung đường du lịch miền Trung, phố cổ Hội An như một bức tranh mộc mạc, giản dị và nên thơ. Dù là ngày hay đêm, du lịch Hội An vẫn mang trong mình những vẻ đẹp lôi cuốn khác nhau.

Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch Hội An

– Chùa Cầu là viên ngọc giữa lòng Hội An. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.

– Hội quán Phúc Kiến: Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An.

– Hội quán Quảng Đông: Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang. Sự sử dụng hợp lý các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực, chi tiết trang trí đã đem lại cho Hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình thu hút nhiều người tham gia.

– Nhà Cổ Tấn Ký: có kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà phố Hội An với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa. Nhà được xây dựng bởi những loại vật liệu truyền thống và được tạo tác bởi những thợ mộc, nề địa phương nên vừa mang dáng nét riêng, nhanh nhẹn, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao lưu với các phong cách kiến trúc trong khu vực.

– Nhà thờ Tộc Trần do một vị quan họ Trần (một dòng họ lớn từ Trung Hoa di cư đến Hội An vào những năm 1700) xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, có nhiều hạng mục: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở… Nhà thờ cổ tộc Trần Hội An là nhà thờ cổ mang phong cách nhà thờ tộc của người Việt từ ngàn xưa còn nguyên vẹn hình thể kiến trúc cổ.

Những trải niệm cần thử qua khi đến Hội An

– Đi dạo Phố Cổ về đêm: Bạn chỉ cần bước ra ngoài phố và ngắm nhìn những ngôi nhà cổ, những phố đèn lồng đủ màu về đêm.

– Thả đèn hoa đăng:  Chính tay bạn sẽ là người thả những chiếc đèn nhỏ lấp lánh xuống sông, với hy vọng những chiếc đèn sẽ mang lại may mắn cho gia đình và người thân.

–  Thưởng thức món Cao Lầu: Một bát cao lầu đủ vị ngon có cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ vị chua, cay, chát, ngọt của rau sống, hương thơm của mắm, bột thơm, nước tương, nước thịt… và miếng tóp mỡ giòn tan trong miệng.

– Đi thuyền trên sông Hoài buổi tối: Đi thuyền ngắm một góc Phố Cổ vào đêm và thả hoa đăng rất được các cặp đôi yêu thích, đặc biệt là những người đến Hội An để chụp đám cưới.

– Cà phê ở Hội An: Hội An có hai quán cà phê cóc rất đông người uống vào buổi sáng, đó là quán cô Thảo nằm ngay khúc quanh từ cầu Nhật ra đường Bạch Đằng, khách ở đây chủ yếu là người trẻ. Bên kia cầu là quán dành cho những người trung tuổi. Ngồi ở cả hai quán đều có thể nhìn thấy bờ sông Hoài, cảnh kéo lưới và một dãy phố An Hội

– Tắm biển: Hội An có những bãi biển nổi tiếng trên thế giới bởi bờ cát trắng, nước biển trong và nắng vàng. Biển Cửa Đại với những bãi cát trắng trải dài, hàng dừa và nước biển trong vắt.

– Tìm đến những ngôi nhà cổ: Được nhiều người biết đến nhất là nhà cổ Tân Ký, ngôi nhà đầu tiên được công nhận là di tích quốc gia ở Hội An và đây cũng là nơi từng đón tiếp nhiều nguyên thủ trong và ngoài nước. Bên cạnh Tân Ký, còn nhà cổ Phùng Hưng, Quân Thắng… hay các hội quán Phúc Kiến, Quảng Đông… mang đậm kiến trúc người Hoa, được các thương nhân người Hoa xây dựng để tưởng nhớ tới quê hương họ.

– Lặn biển ngắm san hô ở Cù Lao Chàm: Đến Cù Lao Chàm bạn có thể trải nghiệm dịch vụ lặn biển ngắm san hô, đốt lửa trại, ngủ homestay ở nhà dân và thưởng thức hải sản tươi – ngon – bổ – rẻ.

– Đi phà qua Cẩm Kim: Ngồi trên con đò địa phương để đi qua thị xã Cẩm Kim, ngắm Phố Cổ từ phía xa, hít thở làn gió mát trên con sông Thu Bồn thôi cũng là một trải nghiệm rất riêng rồi.

– Đến Hội An vào ngày rằm: Nếu đến Hội An vào đúng ngày lễ hội trăng rằm (ngày 14 âm lịch) thì bạn thật sự là một người may mắn. Vào ngày này, phố cổ Hội An tắt hết đèn và treo lên những chiếc đèn lồng rực rỡ, thả hoa đăng sáng rực bờ sông. Đó thật sự là một không gian tuyệt vời cho những ai yêu thích vẻ đẹp tĩnh lặng của phố cổ Hội An.

Ngoài ngày rằm, bạn có thể tới Hội An vào những ngày đặc biệt khác như lễ bà Thiên Hậu, lễ Vu Lan, Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu… để được hòa mình vào những nét đẹp văn hóa vô cùng độc đáo ở mảnh đất này.

Phố cổ Hội An tuy nhỏ, nhưng sẽ cần rất nhiều thời gian để hiểu. Hy vọng trung tâm lữ hành du lịch, ẩm thực chúng tôi sẽ có cơ hội giúp du khách tham quan và tìm hiểu về Phố cổ Hội An.