Ẩm thực – đặc sản du lịch xứ Thanh

Thiên nhiên Thanh Hóa rộng lớn, hùng vĩ tươi đẹp, Thanh Hóa còn là miền đất có số lượng di tích lịch sử văn hóa phong phú. Di sản Thanh Hóa là tài sản vô cùng to lớn, quí giá, là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, là điểm hấp dẫn cuốn hút sự quan tâm của các nhà khoa học, sự ngưỡng mộ của bạn bè của du khách trong nước và quốc tế. Các vùng đất nổi tiếng ấy, các di sản quý giá đó thường và bao giờ cũng gắn liền với đặc sản ẩm thực làm nên ấn tượng và nhiều khi là sự định danh cho một vùng đất. Đã đến lúc phải coi đặc sản, văn hóa ẩm thực Thanh Hóa là di sản ông cha, là tài sản rất có giá trị.          Cách đây hơn 2.000 năm, văn hóa Đông Sơn ở Thanh Hóa đã tỏa sáng rực rỡ trong đất nước của các Vua Hùng và được vinh danh làm tên chung của một nền văn hóa – Văn hóa Đông Sơn.

Thanh Hóa được coi là một hậu cứ vững chắc, đảm bảo cho sự thắng lợi các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền độc lập dân tộc và sự nghiệp mở mang bờ cõi đất nước. Đất “Thủy tú đối sơn thanh, Địa linh sinh nhân kiệt” đất phát tích của nhiều vương triều phong kiến, đất tam vương nhị chúa, quê hương của các văn thần võ tướng những anh hùng kiệt hiệt, những danh nhân văn hóa kiệt xuất mà tên tuổi và sự nghiệp còn mãi đến muôn đời.

Thiên nhiên Thanh Hóa rộng lớn, hùng vĩ tươi đẹp, Thanh Hóa còn là miền đất có số lượng di tích lịch sử văn hóa phong phú. Di sản Thanh Hóa là tài sản vô cùng to lớn, quí giá, là niềm tự hào của người dân xứ Thanh, là điểm hấp dẫn cuốn hút sự quan tâm của các nhà khoa học, sự ngưỡng mộ của bạn bè của du khách trong nước và quốc tế. Các vùng đất nổi tiếng ấy, các di sản quý giá đó thường và bao giờ cũng gắn liền với đặc sản ẩm thực làm nên ấn tượng và nhiều khi là sự định danh cho một vùng đất. Đã đến lúc phải coi đặc sản, văn hóa ẩm thực Thanh Hóa là di sản ông cha, là tài sản rất có giá trị. Đã đến lúc tự hào rằng Thanh Hóa là xứ sở của ngon vật lạ, quê hương của nhiều đặc sản tiến vua, miền ẩm thực độc đáo gọi mời.

Ẩm thực Thanh Hóa được làm nên từ nguồn nguyên liệu quí giá của các vùng thổ nhưỡng giàu có hàm lượng các chất, các vi lượng. Ẩm thực Thanh Hóa được làm ra từ các nghệ nhân tài hoa, hiểu biết, khéo tay chuyên cần, có năng lực sáng tạo, biết chung đúc tinh hoa của nhiều nơi, từ cung đình đến bản làng dân dã, nhiều vùng miền từ miền núi đến trung du đồng bằng. Ẩm thực Thanh Hóa đa dạng về các món, phong phú trong cách chế biến, ngon thơm bổ về chất lượng, đẹp đẽ về hình thức trình bày, vừa chứa đựng vẻ thơm ngon, bổ dưỡng của bốn phương vừa đặc sắc tính dân gian địa phương. Mỗi  đặc sản Thanh Hóa là một minh chứng sinh động cho kết quả  sáng tạo và gìn giữ của ông cha và thể hiện sinh động sức sống  trong  giao lưu văn hóa thời đại. Việc phát huy giá trị của đặc sản Thanh Hóa, văn hóa ẩm thực Thanh Hóa với đời sống văn hóa của mọi thời kỳ là điều hết sức cần thiết và rất đáng được quan tâm.

Song, chưa một tổ chức nào đóng vai trò chủ động tập hợp điều phối và chịu trách nhiệm mọi mặt. Hiện chỉ có Công ty Cổ phần Lạc Việt, Công ty TNHH MTV Mai Hoa và một số doanh nghiệp tư nhân đăng ký bản quyền và thực hiện dán tem bảo hành cũng như có hệ thống phân phối còn phần lớn phát triển tự phát. Đại đa số đặc sản ẩm thực Thanh Hóa đều bán tự do trên thị trường mà không có sự kiểm soát và chịu trách nhiệm. Đặc biệt thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa ẩm thực và du lịch.

Trong nhiều năm qua bằng sự cố gắng của các tổ chức, các ngành, các cấp chúng ta đã góp phần nâng cao nhận thức cho các cơ quan quản lý, các ngành các cấp hữu quan và cộng đồng về vai trò tác dụng và ảnh hưởng to lớn của du lịch vào sự phát triển mọi mặt của xã hội nói chung, của tỉnh nhà nói riêng. Song chúng ta chưa làm được việc nâng cao nhận thức cho các tổ chức các ngành hữu quan và cộng đồng về việc gắn chặt giữa ẩm thực với phát triển du lịch hoặc có làm cũng còn mờ nhạt. Phải coi ẩm thực, đặc sản ẩm thực xứ Thanh, văn hóa ẩm thực xứ Thanh là di sản văn hóa của ông cha và có trách nhiệm phát huy biến thành tài sản tự có và cần phải phát huy nó để hỗ trợ cho phát triển mọi mặt. Xem đặc sản ẩm thực như một phần cốt lõi của du lịch, gắn bó mật thiết với du lịch như cặp song sinh cùng đồng hành nương tựa hỗ trợ và phát triển.

Đồng thời, phải coi trọng công tác tổ chức, kế hoạch, bước đi lộ trình để đưa ẩm thực gắn với du lịch. Trước hết cần phải lập cho được, xác định cho được đâu là đặc sản ẩm thực của xứ Thanh có bản sắc riêng, có đặc trưng riêng của xứ Thanh so với các vùng miền khác, các trọng điểm du lịch khác. Đã là đặc sản thì phải đặc sắc, phải riêng có không trùng lặp, như: Nem chua Thanh Hóa, Dừa Hoằng Hóa, Chè lam Phủ Quảng, Gỏi nhệch Nga Sơn, Mắm tép Hà Yên, nước mắm Hải Châu… Đã xác định là đặc sản thì phải có kế hoạch, biện pháp để gìn giữ bảo tồn, phát huy nâng cao ảnh hưởng tạo ra dấu ấn không thể quên không thể làm  mờ phai.

Phải có kế hoạch đầu tư nâng cao chất lượng số lượng đặc sản này để đủ khả năng đáp ứng đòi hỏi của du khách của thị trường. Phải đầu tư từ hình thức đến nội dung coi như vậy là tốt chưa, chuẩn đẹp chưa, tiện lợi chưa.

Trong khả năng của tỉnh cần tập trung đầu tư nguồn lực nhất định để phát triển ẩm thực xây dựng cho được các cơ sở sản xuất có chất lượng, có địa chỉ đảm bảo các tiêu chuẩn về y tế, về an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ sức cung cấp một cách kịp thời tốt nhất cho các nhà hàng khách sạn các cơ sở lưu trú khi họ có nhu cầu. Cần tập trung nâng cao chất lượng duy trì chất lượng, nâng cao mẫu mã và khả năng cung ứng, nâng cao khả năng tiếp thị. Cao hơn nữa phải xây dựng thành sản phẩm du lịch có đẳng cấp, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh cao chiếm thị phần vươn lên khả năng độc quyền. Phải đăng ký bản quyền và bảo vệ để không bị xâm phạm hoặc làm giả sản phẩm độc quyền.

Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm, xúc tiến và khai thác thị trường bên ngoài để góp phần giới thiệu nhanh rộng từ cả bên ngoài. Cần có trang thông tin, trang trực tuyến giới thiệu mạnh mẽ rộng khắp. Cần thiết mở các hội nghị các tổ chức, các tour tuyến du lịch, các nhà hàng vệ tinh giới thiệu, các đại lý chính thức, các hội chợ hoặc mở các tuần văn hóa các buổi dạ hội, dạ tiệc để giới thiệu một cách khoa học bài bản. Công khai hóa các địa chỉ, các cơ sở và qui trình sản xuất và công khai giá bán.

Lâu dài phải lập dự án phát triển một cách hệ thống, khoa học, quy chuẩn. Vừa có chiến lược dài hơi, vừa có sách lược kịp thời phát triển lâu dài bền vững  biến đặc sản ẩm thực – di sản văn hóa của ông cha thành nguồn lực, thành tài nguyên để phục vụ du lịch vì sự phát triển lâu dài, bền vững của tỉnh Thanh Hóa. Cần huy động sức mạnh tối đa của các ngành, các cấp, các nhà khoa học, các chuyên gia, các nghệ nhân và xã hội hóa nhằm thu hút cho được sức mạnh cao nhất vì sự phát triển, vì Thanh Hóa.