Độc đáo lễ hội Trò Chiềng Thanh Hóa
Yên Định là một vùng đất giàu truyền thống văn hóa lịch sử với nhiều lễ hội đặc sắc, như: Lễ hội Đồng Cổ (xã Yên Thọ), vật Bộc (xã Định Liên), rối Xi (xã Định Bình), Cơm đắp (xã Định Tiến), Cơm thi (xã Định Hưng), Xếp chữ (xã Định Tường)… Song, lễ hội Trò Chiềng, làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh được coi là độc đáo và đặc sắc nhất, bởi nó vừa phản ánh tinh thần thượng võ vừa có tính nghệ thuật cao. Chính vì thế mà lễ hội Trò Chiềng đứng đầu trong câu ca dao nổi tiếng một thời của vùng đất Yên Định xứ Thanh:
Tham khảo thủ tục ==> Thành lập công ty Thanh Hóa
Trò Chiềng, vật Bộc, rối Xi
Cơm đắp kẻ Lở, cơm thi kẻ Lào…
Về làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định) hỏi gốc tích Trò Chiềng, ai cũng biết từ thế hệ này qua thế hệ khác đã lưu truyền được thân thế và sự nghiệp của Thành Hoàng Tam công Trịnh Quốc Bảo. Ông sinh năm 998 tại Bạn Đình Xã. Đến thời vua Lý Thái tông, địa danh Bạn Đình Xã được đổi thành làng Trịnh Xá, tên gọi nôm là làng Chiềng.
Ông Trịnh Quốc Bảo mất năm 1085, thọ 87 tuổi, được nhà Lý phong Thượng Thượng Đẳng Phúc Thần làng Trịnh Xá, hiệu Đông phương Hắc quan Đại Vương. Các thế hệ nhân dân làng Trịnh Xá không chỉ tôn vinh Thành Hoàng là một người con anh hùng dũng cảm, mưu trí chỉ huy một đội quân của làng xông pha nơi chiến trận, đánh thắng giặc cứu nước, mà còn tôn vinh ông là một vị tướng thực tiễn, sáng tạo ra cách đánh giặc độc đáo để giúp nhà Lý bình Chiêm. Và cũng chính từ cảnh luyện tập đánh giặc đã tạo ra được một hệ thống trò diễn dân gian đặc sắc nổi tiếng khắp một vùng quê, đó là Trò Chiềng. Trò Chiềng khởi đầu từ trò chọi voi và phát triển lên thành lễ hội với 12 trò diễn, gồm: Trò kén rể, trò chọi rồng, trò chọi voi, trò voi bị, trò tẩu mã… Lễ hội Trò Chiềng diễn ra từ mùng 10 – 12 tháng giêng, là hoạt động nhằm giải trí cho nhân dân sau những ngày mùa vụ vất vả trong năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, cầu cho dân an vật thịnh, mùa màng luôn tốt tươi.
Lễ hội Trò Chiềng là một truyền thống tốt đẹp thể hiện lòng tri ân sâu sắc tới công đức của Thành Hoàng làng, vị thần đã có công chống giặc ngoại xâm, phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Trò Chiềng đã tái hiện lại cho hậu thế hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta thời Lý, từ đó bồi dưỡng tinh thần cho thế hệ hôm nay về truyền thống đấu tranh bất khuất của quê hương, dân tộc, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, góp phần bảo vệ, giữ gìn những thành quả và giá trị truyền thống của cha ông để lại. Lễ hội Trò Chiềng là điển hình cho nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của cư dân đồng bằng sông Mã. Nó tổng hợp nhiều tiết mục mang đậm nét văn hóa và văn học nghệ thuật dân gian, trong đó sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân từ sĩ, nông, công, thương, binh, ngư, tiều, canh, mục đóng vai trò chủ đạo. Riêng về mặt văn học nghệ thuật, lễ hội Trò Chiềng có thể coi là một tổ khúc tổng hợp mang tính diễn xướng dân gian, nơi hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật như: Ca múa, âm nhạc, trang phục, diễn xuất… làm phương tiện chuyển tải nội dung phong phú, đa dạng của các trò diễn. Đó là nét độc đáo làm nên một lễ hội truyền thống giàu sức sống.
Lễ hội Trò Chiềng tồn tại trong đời sống tinh thần người dân làng Trịnh Xá trong nhiều thế kỷ, do đó những suy tư, lo lắng cũng như niềm vui, ước mơ và hy vọng ấp ủ trong mỗi cá thể của cộng đồng làng, xã đều được thể hiện qua hội làng. Đó là khát vọng, là sinh hoạt văn hóa tinh thần sau những ngày lao động mệt nhọc của người dân. Vì vậy, lễ hội Trò Chiềng là sinh hoạt văn hóa làng xã, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của họ. Đó là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tới các vị thần linh đã có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước, ngày nay lại phù hộ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, lễ hội còn là dịp sinh hoạt giải trí quan trọng trong đời sống người dân. Thông qua các trò diễn trong lễ hội, người ta có thể đạt tới niềm vui bất tận trong không khí cộng cảm sâu sắc của cộng đồng làng xã, nhắc lại thuần phong mỹ tục dân tộc, giữ lấy những nét đẹp của làng quê. Lễ hội còn là dịp để cho mọi người xa quê trở về gặp mặt, tụ họp với gia đình trong niềm vui và tình cảm sâu lắng.
Lễ hội Trò Chiềng đã phản ánh nhiều chủ đề khác nhau một cách sinh động, sâu sắc cuộc sống lao động, chiến đấu, bảo vệ đất nước quê hương; vui chơi, giải trí của nhân dân ta cũng như tưởng nhớ hình ảnh và công lao to lớn của Tam công Trịnh Quốc Bảo. Chính vì lẽ đó, Trò Chiềng vừa phong phú, vừa hấp dẫn, độc đáo lại vừa khỏe khoắn, vui tươi, tái hiện được mọi mặt trong đời sống. Đây là một lễ hội tiêu biểu cho nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt văn hóa của cư dân đồng bằng sông Mã. Nó là điểm sáng hội tụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc của một sinh hoạt cộng đồng có khả năng đáp ứng được nhiều mặt của nhu cầu văn hóa. Với những giá trị độc đáo và ý nghĩa lịch sử đó, ngày 20-6-2017 lễ hội Trò Chiềng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.