Chùa Thiên Mụ – “Đệ nhất cổ tự” đất Cố đô Huế
Huế vốn là nơi qui tụ nhiều di tích thắng cảnh, nhiều ngôi chùa cổ kính nổi tiếng của Việt Nam. Nhưng ngôi chùa xưa nhất có lẽ phải kể đến chùa Thiên Mụ– nơi có sự tích ra đời gắn liền với bước chân mở đường của vị chúa Nguyễn đầu tiên xứ Đàng Trong.
Chùa Thiên Mụ là một danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của cố đô Huế. Chùa được xây trên đỉnh một ngọn đồi cao ngay bên bờ sông Hương đối diện vùng đất Long Thọ. Trước cửa chùa có tháp kiến trúc theo hình bát giác, một kiểu bố cục theo hình bát quái. Tháp này gồm có 6 tầng đều nhau nhưng càng lên cao thì diện tích lại được thu nhỏ lại. Mỗi tầng có một mái nhỏ chìa ra với những đường nét trang trí khá tinh vi, đều đặn và sinh động lạ thường. Mỗi mặt có một cửa cuốn khá lớn hình chữ nhật nhưng chung quanh có nhiều mô hình long nguyệt. Trên cùng là một mái nhỏ 8 cạnh. Chính giữa có trang trí một hình nậm rượu có mũi nhọn. Chung quanh có những mô hình vân vũ.
Truyền thuyết kể rằng, khi chúa Nguyễn Hoàng vào làm Trấn thủ xứ Thuận Hóa kiêm trấn thủ Quảng Nam, ông đã đích thân đi xem xét địa thế ở đây nhằm chuẩn bị cho mưu đồ mở mang cơ nghiệp, xây dựng giang sơn cho dòng họ Nguyễn sau này. Trong một lần rong ruổi vó ngựa dọc bờ sông Hương ngược lên đầu nguồn, ông bắt gặp một ngọn đồi nhỏ nhô lên bên dòng nước trong xanh uốn khúc, thế đất như hình một con rồng đang quay đầu nhìn lại, ngọn đồi này có tên là đồi Hà Khê.
Cảnh quan kiến trúc Chùa Thiên Mụ
– Điện Đại Hùng: Đây là ngôi chính điện trong chùa, kiến trúc kiểu Trùng thiền điệp ốc. Đền được phục chế năm 1959, các cột kèo, lăng, bệ được xây dựng bằng bê tông bên ngoài một lớp sơn giả gỗ. Trong điện thờ tượng phật Di Lặc. Phật có tai to để nghe những chuyện khổ của thiên hạ, bụng to để bao dung những chuyện khổ dung trong thiên hạ, miệng rộng hay cười những chuyện khó cười trong thiên hạ.
– Điện Địa Tạng ở phía sau lưng điện Đại Hùng, cách một khoảng sân rộng với nhiều cây cảnh. Dấu vết nền cũ của điện Di Lặc rất rộng, điện Địa Tạng nằm lọt trong nền này.Con đường bên trái điện Đại Hùng đi về phía trong chùa. Nguyên khi xưa, điện này được để thờ Quan Công (từ năm 1907) – một điều khá thường thấy ở các chùa Việt ngày trước, do ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, và cho đến nay, các chùa lớn ở Huế vẫn còn có thờ Quan Công. Theo truyền thuyết, sau khi chết, Quan Công hiển thánh, biết việc âm dương, việc tốt xấu trong tương lai, vì thế mặc dù chùa là nơi thờ Phật, nhưng trong điện thờ Quan Công, người ta còn thờ cả một bộ thẻ xăm, thậm chí sư ở chùa làm luôn việc đoán xăm cho người đến cầu xăm.
-Tam Quan: Là cổng chính, cấu trúc hai tầng tám mái, tường gạch, sàn và dàn trò bằng gỗ; có 3 lối đi, mỗi lối có cửa ván 2 cánh bằng gỗ được bó bằng đai và đinh đồng; hai bên các lối đi có tượng Hộ Pháp trấn giữ.
-Lầu Lục giác, Tứ giác phía trước: Là các công trình chứa các văn vật gốc: các bia đá khắc bi ký của vua Thiệu Trị, bia đá và rùa đội bia đá thời chúa Nguyễn Phúc Chu, Đại Hồng Chung cùng thời. Các công trình này đều kết cấu gạch đá, trên nhà Lục Giác phía Đông còn một số họa tiết trang trí và bức họa cổ diệm. Đã thực hiện căn chỉnh cân đối bia đá, phục hồi nền đá, chống nứt cho tường, phục hồi màu sắc, hoa văn một cách hài hòa bằng thủ pháp chấm màu đa sắc.
-Tháp Phước Duyên: Đây là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ. Đây còn được gọi là Phước Duyên Bửu Tháp; Tháp hình bát giác cao 7 tầng (21m) dưới lớn trên nhỏ. Số 7 là con số linh của đạo phật. Hệ thống bậc cấp trước chùa cũng tính theo số 7. Trong tháp có hệ thống bậc thang xây cuốn từ dưới lên trên, chỉ trừ giữa tầng thứ 6 và tầng thứ 7 là phải dùng cái thang di động bằng gỗ và cái cửa với chìa khoá đặc biệt, vì ở tầng trên cùng này xưa kia có thờ tượng Phật bằng vàng.
+ Tầng một thờ đức Phật Quá Khứ Tỳ Bà Thi (Vipassi )
+ Tầng hai thờ đức Phật Thi Khí (Sikkhi )
+ Tầng ba thờ đức Phật Tỳ Xá Phù (Vessabhu)
+ Tầng bốn thờ đức Phật Câu Lưu Tôn (Kakusandha)
+ Tầng năm thờ đức Phật Câu Na Hàm (Konagamana)
+ Tầng sáu thờ đức Phật Ca Diếp (Kassapa)
+ Tầng bảy thờ đức Thích Ca Mâu Ni, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương. Còn có tôn giả Ca Diếp và A Nan thờ bên cạnh
Trong khuôn viên của chùa là cả một vườn hoa cỏ được chăm sóc vun trồng hàng ngày. Ở đó, hòn non bộ của vị tổ nghề hát tuồng Việt Nam Đào Tấn được đặt gần chiếc xe ô tô – di vật của cố Hòa thượng Thích Quảng Đức để lại trước khi châm lửa tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963. Cuối khu vườn là khu mộ tháp của cố Hòa thượng Thích Đôn Hậu, vị trụ trì nổi tiếng của chùa Thiên Mụ, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho những hoạt động ích đạo giúp đời.
Tọa lạc bên bờ sông Hương thơ mộng của miền Trung, chùa Thiên Mụ với kiến trúc cổ kính đã góp phần điểm tô cho bức tranh thiên nhiên nơi đây càng thêm duyên dáng, thi vị. Tiếng chuông chùa như linh hồn của Huế, vang vọng mãi theo dòng nước sông Hương chảy qua trước Kinh Thành, xuôi về cửa biển, đọng lại trong lòng khách phương xa đến Huế một nỗi niềm vương vấn chốn Thiền Kinh.
Hy vọng trung tâm lữ hành du lịch, ẩm thực chúng tôi sẽ có cơ hội giúp du khách khám sự tâm linh và thanh tịnh của Chùa Thiên Mụ!