Những món đặc sản của núi rừng SaPa
– Mận, đào Sa Pa: Khỏi phải nhắc tới vị ngon ngọt và hấp dẫn của những trái mận, đào Sapa bởi đây là một món đặc sản mà ai cũng biết tới. Vào mùa hè, ngoài việc thưởng ngoạn cảnh sắc núi đồi, bản làng, bạn còn được thưởng thức no nê những trái ngọt đúng miền.Vào mùa mận, nếu du lịch Sa Pa bạn nên trải nghiệm một lần vào vườn hái và mua mận. Còn nếu mua ở ngoài, bạn nên mua của những người dân tộc bán dạo khu nhà thờ.
– Rượu San Lùng hương thơm, vị đậm đà mau làm lan toả sự đê mê tới lục phủ ngũ tạng, tới chân tơ kẽ tóc. Sau tiệc rượu, ta có cảm giác lâng lâng sảng khoái, không u mê đau đầu. Mới một giọt đã mềm môi, làm ta muốn thêm giọt nữa. Uống rượu San Lùng buổi sáng, sẽ như có vị thần sức mạnh hỗ trợ ở hai vai, nên làm lụng cả ngày không hề mệt mỏi. Nếu vào buổi tối uống cùng bạn, sẽ như có sợi dây vô hình ràng buộc tình yêu thương khăng khít, trong lòng mỗi người trào dâng lời hay ý đẹp nói lên những gì lúc khác chưa nói được.
– Mắc cọp: Đến khoảng tháng 9 là bắt đầu tới mùa mắc cọp (lê Sa Pa) và táo mèo. Quả mắc cọp vị chua nhẹ, mát và quả nhỏ, nhìn xù xì không đẹp bằng lê nhập từ Trung Quốc về nhưng chất lượng của nó luôn được đảm bảo và đây cũng là một món quà lý tưởng cho người thân khi bạn đi du lịch Sapa.
– Gạo Séng Cù: Với nhiều chất vitamin trong đó có vitamin B1 cao gấp 4 lần các loại gạo thông thường khác, gạo Séng cù Mường Khương đã đạt được giải nhất trong cuộc thi gạo đặc sản toàn tỉnh Lào cai do Trung tâm khuyến nông Lào cai tổ chức tháng 11 năm 2007.
– Cơm lam:
+ Đi du lịch Sapa cũng không thể bỏ qua đặc sản dân giã, bình dị đó là cơm lam được nấu bởi những hạt gạo thơm ngon nhất trồng trên những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ ở Sapa, Bát Xát, Bắc Hà…
+ Cơm lam được nấu từ gạo bỏ vào trong ống nứa rồi nướng trên than hồng, vừa có vị ngọt, thơm của gạo nếp nương vừa có vị thơm của ống nứa, than hồng rực. Suốt quá trình nướng trên than, phải xoay cho đều ống nứa sao cho cơm chín đều mà không bị cháy cũng không bị sống. Cơm lam lúc tách ra khỏi ống nứa vừa dẻo, vừa thơm, lại vừa mịn như là giò lụa, để được cả tuần vẫn cứ dẻo thơm.
– Đặc sản rượu táo mèo Sa Pa: Đây là loại rượu dân dã nhưng cũng rất độc đáo. Qủa táo mèo được kết từ hương của rừng, ngấm đẫm gió ngàn, hấp thụ khí đất, khí trời và nắng gió vùng cao nên nó có đủ vị chua ngọt và chát đắng. Qủa táo mèo được ngâm ủ rất kỹ rồi cất thứ tinh chất ấy để chế ra rượu. Ban đầu, uống rượu táo mèo, ta tưởng như uống một loại nước giải khát có ga, thế nhưng càng uống càng ngất ngây.
– Thắng cố Sapa
+ Nhiều người đến Sapa, khi đến chợ phiên hay chợ tình Sapa đều băn khoăn không biết khu giữa chợ thường có một cái chảo thật lớn lúc nào cũng nghi ngút bốc khói. Giá chỉ mấy ngàn thôi là thực khách đã có ngay một bát nóng hổi để ngồi ngay tại quán và xì xụp rất ngon lành. Đó là một món ăn rất đặc biệt của đồng bào dân tộc vùng cao miền núi phía Bắc, tên gọi là Thắng Cố.
+ Thắng Cố được nấu từ các loại thịt bò, thịt trâu, thịt lợn, ruột ngựa,… Nấu thắng cố cần có rất nhiều các loại rau rừng và cần tới 27 loại gia vị khác nhau như quế, hồi, thảo quả,… mới có được một nồi Thắng Cố ngon đúng chất. Thắng Cố có hương vị rất đặc biệt, vừa béo ngậy, vừa ngọt lừ, lại đậm đà và thơm ngào ngạt từ thịt, rau và các loại gia vị.
+ Một bát Thắng Cố nóng hổi, thơm lừng mà được nhâm nhi cùng bát rượu ngô trong buổi sớm Sapa thì sẽ thấy ấm áp và thú vị hơn rất nhiều.
– Lợn “Cắp nách”: Đây là món lợn Mường mà bây giờ dânSaPa gọi là lợn “cắp nách”. Giống lợn này nhỏ, chỉ khoảng 5-6kg/con nhưng thịt thơm và rất chắc. Mới cách đây không lâu, loài lợn này gần như tuyệt diệt vì không bán được, dân bản chả ai còn buồn nuôi nữa. Bỗng nhiên bây giờ lợn Mường lên ngôi, trở thành món đặc sản SaPa được du khách yêu thích.
– Thịt trâu gác bếp: Từ thói quen dự trữ thức ăn, người Mông thường xâu và treo các loại thịt như thịt lợn, thịt trâu, thịt bò, thịt ngựa lên gác bếp để sấy khô ăn dần dần. Thịt trâu được hạ xuống sau 8 tháng đến một năm. Khói ám lâu ngày khiến thịt trâu có mùi hắc hơi khó ngửi, tuy nhiên càng nhai càng ngọt, từng thớ thịt cay thơm khiến những ai từng thưởng thức khó lòng quên được.
– Món cá suối: Cá trắng thân dẹt, tựa cá mương. Cá đen có dáng như cá chiên, nheo, màu đen lẫn với rêu đá. Điều đáng nói là cá suối không hề có vị tanh. Ngoài ra còn phải kể thêm cá hoa, cá bống… Ăn cá suối chỉ việc nướng chín trên than củi, rồi ăn nóng ngay hoặc nướng qua, đem rán ròn rồi chiên với nước sốt cà chua cùng gia vị bột cà ri, bột hồ tiêu là trên mâm cơm đã có một món ăn ngon lành.
– Mầm đá: Ở Sa Pa, rau cải mầm đá chỉ xuất hiện từ khoảng tháng 11 đến tháng 3 âm lịch, không dễ để tìm mua. Mầm đá có vị như ngồng cải bình thường nhưng ngọt và thơm hơn, thường dùng kèm với muối vừng hoặc trứng dầm nước mắm. Mầm đá xào thịt trâu là món ăn gây hứng thú cho dân nhậu, nhất là khi bên cạnh có chén rượu San Lùng.
– Nấm hương: Vào chợ Sa Pa bất kỳ mùa nào, bạn cũng được mời mua nấm hương khô, là đặc sản của núi rừng Sa Pa. Vào các nhà hàng, bạn có thể yêu cầu được ăn món nấm hương. Nấm khô ngâm qua nước, sẽ nở ra mà vẫn giữ nguyên mùi hương của đất núi, phong vị của cây rừng. Là người sành ăn, bạn có thể yêu cầu nhà hàng cho ăn món chân nấm. Đó là thân nấm xé nhỏ xào với thịt, điểm xuyết thêm chút mực khô và gia vị thì mâm cỗ của bạn sẽ có đĩa nhắm chiếm ngôi hạng bên cạnh các món rau cải xoong, su su, cải nương, bắp cải, su hào… đều mang vị rất riêng của Sa Pa. Ngay như các món rau ở đây cũng đều được coi là rau sạch, vì bà con vẫn giữ nguyên cách thức cấy trồng truyền thống.
– Gà đen: Là loại gà đặc biệt của người Mông có da, thịt và xương màu đen. Thịt gà đen chắc, thơm ngon, da giòn mang lại cho người thưởng thức cảm giác rất thú vị. Các nghiên cứu đã chỉ ra, gà đen không những có tác dụng tăng khả năng “chăn gối” mà còn có giá trị dược liệu đặc biệt trong việc chữa trị các bệnh về tim mạch. Món nổi tiếng nhất được chế biến từ gà đen của Sa Pa là gà nướng mật ong.
– Bánh đao “Páu cò”: Nguyên liệu để làm bánh bao gồm đao và gạo nếp được xay thành nước bột. Sau đó, đem nước bột lọc qua khăn cho vừa khô bột bọc bên trong. Tỷ lệ của đao 2 phần, bột nếp 1 phần. Sau đó đến công đoạn nặn bột thành những nắm bằng chiếc chén, gói vào lá chuối, buộc lại rồi cũng xôi như bánh ngô. Bánh làm xong có hương thơm của gạo nếp và đao, khi ăn sẽ có vị thơm mát, dẻo như chiếc bánh dợm người Kinh vẫn làm. Bánh đao bảo quản nơi khô ráo có thể để hàng chục ngày mà không thiu.
– Bánh dầy “Páu plậu”
+ Bánh dầy làm từ gạo nếp. Gạo nếp được ngâm với nước lã khoảng 2 giờ đồng hồ rồi đổ ra giá để róc hết nước rồi cho vào chõ xôi. Xôi chín, cho vào cối giã. Khi giã, thỉnh thoảng lại bôi mỡ vào chầy cho khỏi dính. Khi xôi đã nát nhừ, nặn thành từng viên và có thể ăn ngay.
+ Bánh dầy có thể chấm đường ăn ngay hoặc rán mỡ. Bánh có vị thơm đặc trưng của gạo nếp và rất dẻo.
+ Bánh dầy có thể để được 1 tuần. Nếu muốn để được lâu hơn (2-3 tháng) thì làm cho bánh dẹt ra và lấy bột nếp khô rắc ra ngoài làm áo cho bánh. Khi nào dùng bánh có thể xôi lại hoặc cho vào rán, bánh lại dẻo và thơm như lúc mới làm.
– Nhái nấu rau “ua gai ờ ráu áu”: Người Mông thường bắt những con nhái ở suối đem về chế biến thức ăn. Họ cho rằng, nhái sống ở suối rất sạch. Sau khi rửa sạch nhái, cho muối vào xóc qua, rửa lại bằng nước lã rồi cho lên bếp luộc. Khi nhái gần chín, cho rau rừng vào, thêm một chút muối, ớt và các gia vị khác. Canh nhái ăn mát, bổ.
Hãy cùng Trung tâm lữ hành du lịch, ẩm thực chúng tôi khám phá những đặc sản núi rừng SaPa nhé!