Giới thiệu đôi nét về Sa Pa
Sa Pa là một điểm du lịch cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng hơn 30 km. Nằm ở độ cao trung bình 1500 – 1800 m so với mặt nước biển, Thị Trấn Sapa luôn chìm trong làn mây huyền ảo, tạo nên một bức tranh phong cảnh đẹp đến kỳ lạ. Nơi đây, có thứ tài nguyên vô giá đó là khí hậu quanh năm trong lành ôn hòa, với nhiệt độ trung bình 15-18°C.
Khách du lịch đến Sa Pa không chỉ để tận hưởng không khí trong lành, sự yên bình giản dị của một vùng đất phía Tây Bắc, mà Sapa còn là điểm đến để bạn chiêm ngưỡng những vẻ đẹp hoang sơ của những ruộng bậc thang, thác nước, những ngọn vúi hùng vĩ, khám phá những phong tục tập quán, nét đẹp văn hóa của các dân tộc trên núi như : Kinh – H’Mông – Giáy – Dao đỏ – Tày – Xá Phó …
Sa Pa có đỉnh Phan Si Păng cao 3.143m trên dãy Hoàng Liên Sơn. Gọi Hoàng Liên Sơn, bởi duy nhất trên dãy núi này có cây Hoàng Liên, một loại dược liệu quý, hiếm. Ngoài ra dãy Hoàng Liên còn là “mỏ” của loài gỗ quý như thông dầu, của bao chim thú, như gà gô, gấu, khỉ, sơn dương và của hàng ngàn loại thuốc. Khu rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn có 136 loài chim, có 56 loài thú, 553 loài côn trùng. Có 37 loài thú được ghi trong “sách đỏ Việt Nam. Rừng Hoàng Liên Sơn có 864 loài thực vật, trong đó có 173 loài cây thuốc.
Ở Sapa, 6 dân tộc anh em chung sống, tuy có ảnh hưởng văn hóa của nhau nhưng mỗi dân tộc vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình, cùng với các phong tục được duy trì từ nhiều đời nay. Các lễ hội theo phong tục được duy trì hằng năm như:
– Lễ hội Roong pọc của người Giáy
– Lễ Hội Tết nhảy của người Dao đỏ
– Lễ Quét Làng của người Xá Phó
– Lễ hội Xuống Đồng ở Bản Hồ….
Các hoạt động sinh hoạt theo phong tục như: Chợ tình, chợ phiên, thổi khèn cùng các điệu nhảy vẫn được giữ nguyên bản sắc.
Sapa có nhiều cảnh đẹp tự nhiên là nơi thu hút khách du lịch tới thăm quan như Thác Bạc cao khoảng 200 m với những dòng nước đổ ào ào tạo thành âm thanh núi rừng đầy ấn tượng, Cầu Mây là một di tích lịch sử của người dân tộc. Sapa mệnh danh là vương quốc của hoa trái, như hoa đào, đào vàng to, đào vàng nhỏ, mận hậu, mận tím, mận tam hoa, hoa hồng, hoa lê, hoa cúc…..đặc biệt hoa bất tử sống mãi thời gian.
Nằm ngay trong lòng thị trấn Sapa, núi Hàm Rồng là một trong số ít điểm du lịch có được sự sáng tạo của con người. Chất sáng tạo của con người được hoà quyện với vẻ đẹp tự nhiên tạo cho nơi đây vẻ đẹp riêng mà không nơi nào có được. Bởi Hàm Rồng là một Sapa thu nhỏ, nhìn xa trông như con rồng đang bay giữa làn mây trắng. Có nhiều truyền thuyết về ngọn núi này trong dân gian kể rằng: thưở Sapa còn chìm trong đại dương, có hai anh em nhà rồng trốn đến đây chơi. Vua cha phát hiện gọi về, rồng anh nghe thấy đã bay về trời, rồng em mải chơi mãi chốn thủy cung nên chẳng nghe thấy. Trời sập tối, rồng em mới sực tỉnh quẫy đuôi ngoi lên thì cổng trời đã đóng chặt lại. Rồng em đành phải mãi mãi ở lại hạ giới và hóa thành núi đá với tư thế đầu lúc nào cũng ngẩng lên, dõi mắt về trời. Từ đấy ngọn núi nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ được mang tên Hàm Rồng.
Chợ phiên của Sa Pa họp vào ngày chủ nhật tại huyện lỵ (thị trấn Sa Pa). Người dân ở vùng xa phải đi từ ngày thứ bẩy. Vào tối thứ bảy mọi người cùng thức vui với nhau bằng những bài hát dân ca của trai gái người Mông, người Dao, bằng những âm thanh của đàn môi, của sáo, của khèn Mông, bằng những bát rượu tràn đầy của những người có tuổi…và người ta đã đặt cho nó là “chợ tình”.
Bãi Đá Cổ Sapa nằm trong thung lũng Mường Hoa có 196 hòn chạm khắc nhiều hình kỳ lạ của những cư dân cổ xưa cách đây hàng vạn năm mà nhiều nhà khảo cổ vẫn chưa giải mã được. Khu chạm khắc cổ đã được xếp hàng di tích quốc gia. Nếu ai đã đặt chân tới Sapa chắc chắn không thể không đi thăm núi Hàm Rồng. Hàm Rồng là nơi trồng rất nhiều loại hoa, màu sắc sặc sỡ và được trồng theo từng khuôn viên. Nơi đây cũng có vườn lan với nhiều loại.
Hãy để trung tâm lữ hành du lịch, ẩm thực giúp bạn tìm hiểu khám phá những phong tục độc đáo trong cuộc sống của cư dân địa phương, ở các thôn, bản cũng như cảnh sắc núi rừng Sa Pa nhé!